Cuộc cách mạng 4.0 tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống, trí tuệ nhân tạo dần thay thế sức lao động của con người trong nhiều lĩnh vực. Những ứng dụng di động ngày càng trở nên phổ biến để giải quyết vấn đề trong đời sống, nhưng tỷ lệ ứng dụng “make in Vietnam” lại đang bị áp đảo so với các ứng dụng nước ngoài ngay trên chính những chiếc điện thoại của người tiêu dùng Việt. Trong bối cảnh đó khởi nghiệp công nghệ là cầu nối đưa các ứng dụng trên smartphone đến gần với người sử dụng. MINSOFTWARE đưa tới cho bạn đọc những thông tin thú vị về khởi nghiệp CN ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy Việt Nam đã có những sản phẩm công nghệ ghi dấu trên trường quốc tế và người Việt vốn thông minh, giàu tính sáng tạo cần có thêm những không gian để người dùng biết tới, trải nghiệm và ủng hộ sự phát triển của các ứng dụng Việt, vì mục tiêu một Quốc gia khởi nghiệp – Việt Nam hùng cường trong thời đại mới.
Tại buổi họp báo ra mắt chương trình Khởi nghiệp Công nghệ – Khởi tạo thực tại mới, Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng Ban Sản xuất các chương trình giải trí Đài truyền hình Việt Nam (VTV3) cho biết, Khởi nghiệp công nghệ là định dạng chương trình hoàn toàn “Make in Việt Nam”, mang đến cái nhìn mới mẻ, dễ hiểu về ý tưởng của các ứng dụng, về những nhà lập trình ứng dụng, về cách thức tạo lập và điều hành hoạt động của một dự án công nghệ.
“Tôi cho rằng cái gì khó thì càng kích thích chúng ta theo đuổi và muốn chinh phục. Khi đạt được phần thưởng sẽ tạo sự thú vị và ý nghĩa hơn đối với các startup trong chương trình Khởi nghiệp công nghệ. Có rất nhiều ý tưởng đã và đang được các bạn trẻ từng bước hiện thực hóa trong cuộc sống. Để làm được điều đó quả là không dễ nhưng các bạn trẻ vẫn luôn tự tin với lòng đầy nhiệt huyết. Vì vậy, tôi tin rằng khi được chương trình tiếp sức, những bạn trẻ ấy sẽ càng có cơ hội phát triển. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam khi tạo ra những giá trị mới cho đất nước“, Nhà báo Tạ Bích Loan nói.
Nêu quan điểm về khởi nghiệp công nghệ, ông Đào Xuân Hoàng – cố vấn Early Start cho biết, với hiện thực khởi nghiệp bây giờ, không gắn yếu tố công nghệ rất là khó. Ngay cả việc mở cửa hàng ăn uống chúng ta cũng phải sử dụng công nghệ để niêm yết menu thực đơn rồi cập nhật giá và quản lý thu chi. Thậm chí trong cả lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân cũng đã biết áp dụng công nghệ để sao cho việc canh tác, chăm sóc vụ mùa được tốt hơn.
Tham gia Khởi nghiệp công nghệ, các nhà sáng lập ứng dụng di động mang tới nhiều sản phẩm sáng tạo, độc đáo như Thế giới thợ – cung cấp những người thợ lành nghề để sửa chữa mọi hỏng hóc trong gia đình hay công trình; Manmo – khai thác phân khúc nhà trọ, nhà nghỉ cho khách có nhu cầu lưu trú với mức giá tốt và linh động; iMotor – minh bạch hóa những thông tin kỹ thuật về xe máy, ô tô để chủ xe chủ động chăm sóc, sửa chữa xế yêu mà không còn nỗi lo bị lừa; Telepro – cung cấp giải pháp bán hàng qua điện thoại một cách văn minh, hiệu quả cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ đang thời kỳ thai sản, các bạn sinh viên, các đối tượng cần được ưu tiên như người khuyết tật…; Vihago – giúp hành khách thuận tiện trong việc đặt xe, bắt xe dọc đường một cách tiện lợi, tiết kiệm; Triptour – sàn thương mại điện tử đáp ứng mọi nhu cầu về du lịch của du khách, đặc biệt ứng dụng công nghệ thực tế ảo để khách tham khảo dịch vụ chân thực nhất trước khi đưa ra quyết định lựa chọn…
Trao đổi với phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Thanh CEO dự án khởi nghiệp VN Guide chia sẻ, chuyển đổi số hiện nay có vai trò rất quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực, phải kể đến là việc chuyển tải dữ liệu lên thiết bị thông minh. Bắt nguồn từ việc có đam mê với ngành du lịch, ông Thanh cũng nhận ra các yếu điểm về việc tìm hiểu thông tin của khách du lịch trong nước cũng như quốc tế khi đến tham quan tại các tuyến điểm du lịch. Chính vì vậy, VN guide hướng đến số hoá các thông tin, dữ liệu ở quy mô lớn như một cẩm nang điện tử giúp mọi người có trải nghiệm tốt hơn khi đi tham quan, du lịch.
Giống như các công ty khởi nghiệp non trẻ khác, ông Thanh cũng nói thêm về những khó khăn mà doanh nghiệp startup gặp phải, đó là doanh nghiệp phải tự tận dụng tất cả các nguồn nhân lực có thể cho việc xây dựng nội dung và làm nền tảng, đặc biệt ứng dụng công nghệ mới không phải điều dễ dàng, nhất là những công nghệ chưa có ở Việt Nam, phải cập nhật và học hỏi từ những chuyên gia nước ngoài, đồng thời cập nhật thông tin để nguồn dữ liệu đến với người dùng là nguồn dữ liệu chính thống, đảm bảo an toàn thông tin.
Khởi nghiệp công nghệ là cầu nối đưa các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh đến gần với người sử dụng, đồng thời cũng là nơi gieo hạt ước mơ, ý tưởng và cảm hứng cho cả các đội chơi cùng khán giả truyền hình.
Với sứ mệnh “Cổ vũ khát vọng Việt Nam”, Ban Sản xuất các chương trình Giải trí – VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam đưa các nhóm khởi nghiệp công nghệ tiếp cận với người dùng, cố vấn, thiết lập mối quan hệ với truyền thông, báo chí, các nghệ sĩ và đông đảo khán giả truyền hình để tạo ra bệ đỡ cho những ý tưởng giải quyết vấn đề, thay đổi cuộc sống bằng công nghệ ứng dụng trên di động.