Digital Marketing là gì?
Hiện nay bạn sẽ thường nghe những từ ngữ như Digital Marketing, Internet Marketing hay Online Marketing trôi nổi khắp nơi trên mạng và có rất nhiều người sử dụng các từ này như các từ đồng nghĩa và có thể thay thế cho nhau được. Nhưng trên thực tế thì Digital Marketing là một cụm từ mang ý nghĩa bao hàm hơn và Online Marketing (hay Internet Marketing) chỉ là một phần của Digital Marketing. Vậy chính xác thì Digital Marketing là gì? Xin được trích dẫn định nghĩa từ Wikipedia:
Digital marketing is marketing that makes use of electronic devices (computers) such as personal computers, smartphones, cellphones, tablets and game consoles to engage with stakeholders. Digital marketing applies technologies or platforms such as websites, e-mail, apps (classic and mobile) and social networks. – Wikipedia
Tạm dịch: “Digital Marketing là phương pháp quảng cáo sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính cả nhân, điện thoại thông minh, điện thoại di động, máy tính bảng và thiết bị chơi game để tương tác với người dùng. Digital Marketing sử dụng những công nghệ hoặc các nền tảng như websites, email, ứng dụng (cơ bản và trên di động) và các mạng xã hội.”
Chúng ta đang nói về định nghĩa và tùy theo mỗi người sẽ có những định nghĩa và cách hiểu khác nhau về Digital Marketing là gì. Nhưng đối với tôi thì Digital Marketing được chia làm 2 phần rất riêng biệt và rõ ràng đó là Online Marketing (hay Internet Marketing) và Non-online Marketing:
Như bạn có thể thấy trên graphic bên trên thì Online Marketing / Internet Marketing như tên gọi của nó bao gồm các kênh quảng cáo liên quan tới việc đòi hỏi phải có kết nối mạng internet, trong khi đó thì Non-online Advertising thì lại chủ yếu là những phương thức quảng cáo mà trong đó bạn không cần kết nối mạng. Chúng ta sẽ có thời gian đi sâu hơn vào từng loại hình quảng cáo trong các bài viết sắp tới nhưng trong giới hạn bài viết này chúng ta sẽ dừng ở việc tóm gọn về các loại quảng cáo này.
Online Marketing / Internet Marketing
Search Marketing (SEO & SEM): quảng cáo có trả phí trên các bộ máy tìm kiếm như Google, Yahoo và Bing (SEM) và tối ưu hóa website để đạt thứ hạng cao hơn trên kết quả tìm kiếm tự nhiên của các bộ máy tìm kiếm (SEO).
Mobile Marketing: quảng cáo thông qua các thiết bị di động trong đó có thể bao gồm việc tối ưu hóa ứng dụng để hiển thị tốt hơn trên chợ ứng dụng (app store optimization – ASO), quảng cáo push, display trong các ứng dụng để khuyến khích người dùng cài đặt.
Email Marketing: quảng cáo bằng hình thức gửi email tới các khách hàng có trong danh sách hoặc cơ sở dữ liệu và giới thiệu với họ về dịch vụ, sản phẩm hay cập nhật tin tức. Tìm hiểu thêm về email marketing.
Content Marketing: phương pháp quảng cáo bằng cách tạo ra những nội dung trên tất cả các nền tảng mà có khả năng tạo tương tác tốt và thu hút người người dùng và qua đó gia tăng lượt truy cập hay khuyến khích việc tạo ra giá trị.
Social Marketing: quảng cáo và truyền tải các thông điệp tới người dùng thông qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter, LinkedIn nhằm tạo ra giá trị, doanh thu hay gia tăng nhận diện thương hiệu.
Display: quảng cáo lập trình (programmatic advertising) thông qua các nền tảng (publishers, ad networks, ad exchange, DSP) với hình thức hiển thị các định dạng như hình ảnh, video, html trên các website và ứng dụng trong hệ thống của nhà cung cấp. Hiểu thêm về display advertising.
Non-online Marketing
SMS: quảng cáo thông qua tin nhắn SMS trên điện thoại. Chỉ tính tin nhắn SMS brandname (chăm sóc khách hàng và quảng cáo).
TV / Radio: quảng cáo trên các kênh truyền hình và đài phát thanh.
Digital Out-of-Home (OOH): quảng cáo ngoài trời ở định dạng điện tử như các màn hình hiển thị LCD (các tòa nhà, sân bay và ngoài trời), biển hiệu điện tử, v.v…
Sự khác nhau giữa online marketing và non-online marketing là gì?
Dưới đây là 3 sự khác biệt cơ bản của 2 kênh online marketing và non-online marketing:
Sự khác biệt đến từ 3 góc độ:
1. Đo lường:
Online marketing thì có khả năng đo lường một cách dễ dàng và hiệu quả hơn với sự hỗ trợ của các công cụ đo lường (Google Analytics chẳng hạn). Bạn có thể biết chính xác có bao nhiêu click đến từ kênh nào, thời gian khách hàng trên website bao lâu, họ đi khỏi website ở trang nào và họ có mua hàng hay không. Chú ý là tôi chỉ nói là online marketing thì đo lường dễ dàng hơn thôi chứ không nói là đo lường chính xác hơn – xem thêm: Google Analytics Và Tại Sao Nó Không Chính Xác.
Với các kênh non-online marketing thì không dễ dàng như vậy vì chúng không phụ thuộc vào website hay mạng internet và do vậy khó đo lường hơn (tương tự như các kênh outdoor và truyền thống vậy). Ví dụ: bạn không thể nào biết được có bao nhiêu người đọc tin nhắn của bạn khi bạn gửi SMS và có bao nhiêu người trong đó thực hiện việc mua hàng sau đó.
2. Phương thức hoạt động:
Các kênh online marketing thì phụ thuộc vào mạng internet (đương nhiên rồi). Không có internet thì không có online marketing, vậy thôi.
Các kênh non-online marketing thì không phụ thuộc mạng internet mà phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng viễn thông (sóng truyền hình, sóng radio, sóng điện thoại, v.v…) và do đó có internet hay không thì chúng vẫn hoạt động.
3. Mục đích sử dụng:
Có 2 mục đích chính khi làm quảng cáo 1 là để tăng cường chuyển đổi (converison – bán hàng, đăng ký, etc.), 2 là để tăng nhận diện thương hiệu (brand awareness).
Online marketing có thế mạnh là giúp tăng cường chuyển đổi vì chúng có thể đo lường được dễ dàng nhờ vậy có thể nhanh chóng tối ưu hóa và cải thiện hiệu quả chiến dịch ngay cả khi đang thực thi.
Xem thêm: Làm Sao Để Tối Ưu Hóa Quảng Cáo Hiệu Quả Hơn.
Non-online marketing có thế mạnh là giúp tăng cường nhận diện thương hiệu vì chúng có khả năng phủ rộng rãi.
Xêm thêm: Quy Trình Quản Trị Thương Hiệu Trực Tuyến
Chú ý là nói thế thì không có nghĩa là các kênh online marketing sẽ không có khả năng tăng nhận diện thương hiệu hay các ngược lại các kênh non-online marketing thì không thể tăng chuyển đổi. Và lại càng không có nghĩa là nhận diện thương hiệu thì không giúp bán được nhiều hàng hơn hay ngược lại. Cái mình muốn nói ở đây là mỗi kênh có một thế mạnh đặc trưng và tùy theo mục đích mà người làm marketing cần sử dụng cho đúng.
Ranh giới đang dần mờ đi vì sự phát triển của công nghệ
Nhưng hiện nay ranh giới giữa các từ này cũng đang bị mờ dần đi với sự phát triển của công nghệ và mạng internet. Điện thoại dần dần đã trở thành những chiếc máy tính bỏ túi, tivi cũng có thể kết nối internet và truy cập mạng, có thể dò sóng radio. Ai ai cũng có thể kết nối vào internet tại bất cứ nơi nào với sự phổ biến của 3G/4G, wifi. Lúc này thì quảng cáo qua SMS và Push Message đối với người dùng có gì khác nhau? Nếu tivi kết nối mạng và nhận được email quảng cáo thì nó là email marketing hay là quảng cáo qua TV? Có nhiều điều có thể bàn cãi, tuy nhiên có thể thấy rằng ranh giới giữa 2 loại thành phần trong Digital Marketing thật ra không hoàn toàn cách biệt.
Một câu hỏi nữa được đặt ra lúc này là nếu như vậy thì chúng ta cần sử dụng từ ngữ nào để chuẩn xác hơn? Chẳng hạn như Online Marketing và Internet Marketing, từ nào được chấp nhận hơn? Để hiểu rõ về điều này hơn, chúng ta có thể xem qua biểu đồ đến từ Google Trends cho ta thấy sự phổ biến của các từ khóa này từ thời điểm năm 2004 tới nay:
Xem biểu đồ Google Trends – tại đây.
Chúng ta có thể thấy từ khóa Digital Marketing ngày càng trở nên thịnh hành và được sử dụng nhiều hơn, cho ta thấy rằng xu hướng chung về việc kết hợp quảng cáo từ các kênh khác nhau nhằm đem lại hiệu quả cao hơn. Từ khóa online marketing thì vẫn được sử dụng phổ biến và có một sự nhảy vọt trong nằm 2013 cho ta thấy sự quan tâm về chủ đề này ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Từ khóa Internet Marketing thì đang dần giảm sút về mức độ phổ biến so với 2 từ kia, có lẽ vì từ “online” nó xác nghĩa hơn từ “internet” khi đi cùng với “marketing”. Đây là lý do tôi quyết định dùng “Digital Marketing” làm tên thư mục chứ không phải là Internet Marketing hay Online Marketing vì nội dung viết trên blog này sẽ là hướng về việc sử dụng kết hợp các công cụ digital chứ không phải chỉ riêng online.